Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015-2020, tỉnh Tuyên Quang coi cây chè là cây trồng chủ lực được tập trung phát triển, góp phần nâng cao đời sống người lao động
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015-2020, tỉnh Tuyên Quang coi cây chè là cây trồng chủ lực được tập trung phát triển, góp phần nâng cao đời sống người lao động, tạo sự ổn định về kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn.
Bảo đảm lợi ích
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Việt cho biết, thực hiện chuyển dịch cơ cấu giống chè, hai năm qua tổng diện tích chè toàn tỉnh đạt hơn 8.800 ha, tăng 332 ha, trong đó diện tích trồng thay thế diện tích chè già cỗi, năng suất thấp là 184 ha, đạt 22% so mục tiêu đến năm 2020; diện tích chè cho sản phẩm là hơn 8.400 ha, và năng suất bình quân đạt 79 tạ/ha, tăng 2,6 tạ/ha so năm 2014; tổng sản lượng chè búp tươi đạt hơn 65.600 tấn, tăng gần 3.500 tấn so năm 2014 và đạt 93% so mục tiêu đến năm 2020.
Cùng với phát triển vùng nguyên liệu, việc liên kết tổ chức sản xuất được các doanh nghiệp, địa phương chú trọng phát triển. Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm đã xây dựng mô hình liên kết mới tại các đội sản xuất. Trong đó, đội trưởng, đội phó giám sát sâu bệnh và kỹ thuật nông nghiệp, cấp phát vật tư, điều hành các công việc: phòng trừ dịch hại, bón phân, đốn và thu hái chè, giao nhận sản phẩm chè búp tươi. Dưới đội có các tổ dịch vụ bao gồm: Tổ bảo vệ thực vật; tổ đốn và thu hái chè; tổ bón phân. Ngoài vùng nguyên liệu riêng, các công ty chè Tân Trào, Sông Lô mở rộng liên kết với các hộ dân có đất đầu tư trồng, tiêu thụ chè; thành lập các Tổ dịch vụ bảo vệ thực vật nhằm tăng hiệu quả quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên vườn chè, tăng chất lượng chè búp tươi.
Các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp mới cũng chú trọng liên kết xây dựng vùng nguyên liệu để quản lý tốt chất lượng nguyên liệu ngay từ khâu sản xuất nông nghiệp, như: Công ty chè Núi Kia tăng đầu tư tại xã Hồng Thái; Cơ sở sản xuất chè Luận Kỳ, Cơ sở sản xuất chè Tuyên Thái liên kết các hộ dân thôn 5, Làng Bát, xã Tân Thành; Hợp tác xã Trung Long liên kết các hộ dân thôn Trung Long, xã Trung Yên; Hợp tác xã Vĩnh Tân liên kết các hộ dân thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào.
Đến nay, toàn tỉnh có 45 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ có đăng ký kinh doanh chế biến, tiêu thụ chè. Sản phẩm chè bảo đảm an toàn thực phẩm theo cam kết của doanh nghiệp với đối tác (tiêu chuẩn của EU), cho nên giá thành sản phẩm trong khâu chế biến giảm, giá bán chè khô tăng. Vườn chè khỏe mạnh, ít sâu bệnh, sản lượng vườn chè tăng bình quân 10% ngay trong năm đầu thực hiện, trong khi chi phí thuốc bảo vệ thực vật và công phun giảm 50%, nhờ vậy sức khỏe người làm chè được cải thiện, môi trường sinh thái được bảo vệ. Đối với các hộ trồng chè, thu nhập tăng bình quân 40% so với trước khi tham gia mô hình liên kết sản xuất mới.
Xây dựng thương hiệu
Một số nhãn hiệu chè của Tuyên Quang đã được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, giá bán cao như: Ngân Sơn Trà, Làng Bát, Tân Thái 168, Bát tiên Mỹ Bằng... nhưng so với tiềm năng và lợi thế của vùng đất thì chưa đạt kết quả tương xứng. Phần lớn chè xuất khẩu của Tuyên Quang là chè xuất thô dưới dạng bán thành phẩm, dẫn đến giá trị không cao. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là khu vực Trung Đông, Trung Quốc... giá bán thấp, khoảng 1,5 đến 1,7 USD/kg; chè xanh khoảng 2 đến 2,4 USD/kg. Trong khi doanh nghiệp chế biến muốn nâng chất lượng và giá trị chè lại gặp khó vì phần lớn cơ sở chế biến dây chuyền công nghệ, thiết bị cũ kỹ và lạc hậu, nhất là các cơ sở chế biến tư nhân.
Tại các vùng trồng chè nguyên liệu có diện tích nhỏ, lẻ vẫn có hiện tượng lạm dụng sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học để tăng năng suất, làm giảm chất lượng, phẩm cấp chè thành phẩm. Hiện, chỉ có một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm và vườn chè ở các huyện Hàm Yên, Sơn Dương được chứng nhận VietGAP có thể truy xuất nguồn gốc. 812 ha chè nguyên liệu của hai công ty cổ phần chè được Tổ chức Rainforest cấp chứng nhận chất lượng, trong đó: Công ty Cổ phần chè Mỹ Lâm có 412 ha; Công ty cổ phần chè Tân Trào 400 ha. Riêng diện tích trồng mới chè đặc sản mới chỉ có 25,5 ha, đạt 6% so mục tiêu đề ra đến năm 2020; trồng thay thế diện tích chè già cỗi, năng suất thấp là 184 ha, đạt 22% so với mục tiêu đến năm 2020.
Để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển sản xuất, chế biến chè, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Việt cho biết: Các địa phương cần thực hiện quy hoạch chi tiết vùng nguyên liệu chè cho từng nhà máy, cơ sở chế biến để quản lý theo quy hoạch, bảo đảm giữ ổn định diện tích chè hiện có; không để tình trạng trồng chè ngoài quy hoạch, trồng chè trên đất lâm nghiệp. Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng vùng nguyên liệu chè gắn với nhà máy chế biến, nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống của người lao động. Đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở chế biến với người trồng chè; áp dụng đồng bộ hệ thống quản lý chất lượng từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm chè.
Chú trọng phát triển các thương hiệu sản phẩm, ứng dụng quy trình sản xuất chè hữu cơ, chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp liên kết với nông dân thực hiện các dự án phát triển vùng nguyên liệu theo Nghị quyết số 41/2005/NQ-HĐND quy định về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2020. Gắn phát triển thương hiệu sản phẩm chè với địa danh, đáp ứng mục tiêu "mỗi làng một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới".