Cho đến nay trà vẫn được xem là một trong những thức uống tốt nhất được cả thế giới công nhận.Ở phương Tây người ta sáng tạo ra cách uống trà
Cho đến nay trà vẫn được xem là một trong những thức uống tốt nhất được cả thế giới công nhận.
Ở phương Tây người ta sáng tạo ra cách uống trà (trà đen, tức Hồng trà) pha kèm với đường, sữa tươi, hay mật ong.
Ngày nay, việc uống trà đang biến hóa muôn hình muôn vẻ để đáp ứng những nhu cầu vô cùng đa dạng của một xã hội công nghiệp khi con người luôn sôi động, hối hả.Dân Trung Đông lại còn cho thêm những gia vị khác như quế, hồi, gừng, v.v. vào trà. Có lẽ do Trung Đông quá nóng, nên dân xứ này không thể chống nóng bằng cách uống trà đá, mà phải dùng cách “lấy độc trị độc”, uống trà nóng pha với gia vị nóng để cân bằng trong-ngoài (cũng như trong khi ta chống nóng bằng cách mặc thoáng mát thì họ che kín toàn thân bằng nhiều lớp quần áo thật dày).
Về nguyên liệu, trà ngày nay có thể được pha trộn với các hương liệu như dâu, cam, táo, nho, chanh,.. tạo nên sự phong phú về hương vị. Về hình thức, ngoài dạng trà rời ngâm trong nước sôi, có trà túi lọc như Lipton, Dilma, trà hòa tan; nước trà có thể được đóng lon. Các sản phẩm có sử dụng chè làm hương liệu cũng rất nhiều: người ta có thể trộn bột trà với các nguyên liệu cần thiết để làm bánh ngọt, làm kem, làm các món ăn; hay cũng có thể dùng chế tạo kem dưỡng da, kem đánh răng,…
Tuy nhiên, trong đó hình thức tồn tại chủ yếu của trà phù hợp với xã hội công nghiệp là trà hòa tan (còn gọi là trà hòa tan nhanh hay trà tinh thể). Trà hòa tan bắt đầu xuất hiện từ năm 1959 ở Thụy Sĩ, rồi đến Mỹ… Ưu điểm của loại trà này là hòa tan rất nhanh, không để lại cặn, cách làm đơn giản.
Để chế biến loại trà này, đầu tiên người ta chuẩn bị nguyên liệu cũng giống như làm trà đen hay trà xanh. Sau đó các chất hòa tan được chiết bằng nước nóng. Người ta cũng dùng chất xúc tác (kali pecmanganat, tỉ lệ 0,05%) để tăng cường quá trình ôxy hóa. Nước chiết được đem lọc rồi cô trong chân không, có thể trộn cùng với đường và các chất thơm khác như cao chanh, cao cam, cao táo… nếu muốn có thêm hương vị, sau đó dùng máy phun sương hay máy đông khô để chế ra bột trà hòa tan, hoặc nén thành viên.
Ngày nay, mỗi năm thế giới chế biến khoảng 3 triệu tấn và tiêu thụ khoảng 900 tỉ chén trà. Toàn thế giới hiện có trên 40 nước trồng trà, chủ yếu tập trung ở các nước Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Srilanka, Bangladesh, Pakistan, Iran, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia, Nepal… Ngoài Châu Á ra thì Kenya ở châu Phi, Argentia ở châu Mỹ và Úc cũng là những nước sản xuất nhiều trà. Trà của Srilanka và Đài Loan hiện nay vẫn được mang tên “Ceylon”như một thương hiệu đặc biệt. Theo Hiệp hội chè Việt Nam thì Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về diện tích trồng chè và đứng thứ 8 về sản lượng chè.
Thế nhưng, cho dù xã hội có tốc độ, hối hả đến đâu thì cái bản chất của trà và các yếu tố quan trọng để thưởng thức trà vẫn là sự thanh tĩnh, thư thái, bên cạnh người tâm giao. Chén trà chung rượu vẫn là cái giá trị phản ảnh bản chất của nền văn hóa nông nghiệp giành riêng cho người biết thưởng thức.
Kết luận
Trong mọi thức uống, thì trà là thức uống phổ biến nhất. Thoạt đầu với tác dụng giải khát, dần dần phổ biến rộng rãi, sau được nâng lên thành nghệ thuật tao nhã, một biểu hiện văn hóa của con người khi thưởng thức nó. Trà theo bước con người đi khắp mọi nơi, đi vào các tầng lớp xã hội của mọi dân tộc, trở thành thức uống đặc biệt ưa thích của thế giới. Trà đem lại cho con người nhiều cảm xúc thanh cao, những phút thi vị của cuộc đời.
Trà là một phương tiện quan trọng trong việc liên kết con người với con người. Biết bao tình bạn thắm thiết từng có sự góp mặt của chén trà ly rượu. Thưởng thức trà là một nghệ thuật tao nhã của văn nhân mặc khách. Có người uống trà để cảm nhận triết lý của cuộc sống. Có người nhấm chén trà để ưu thời mẫn thế. Những bậc thiền sư, cao tăng, đạo sĩ ẩn dật thưởng thức trà để thấu hiểu cội nguồn con đường giải thoát. Người phương Đông đã thực sự đạt được sự hài hòa cân đối trong tâm hồn khi uống trà. Có bạn tri kỷ đàm đạo bên bình trà ngon, nhấp từng ngụm trà mà suy tư, mượn chén trà mà tâm tình với bạn. Trước chén trà, thời gian như ngừng trôi, mọi việc thế sự chỉ còn như mây khói.
Xuất phát từ phương Đông, nhưng trà đã biến hoá theo sở thích, thói quen từng dân tộc, từng con người thưởng thức nó. Trà chẳng những mang nét văn hóa trang nhã độc đáo của Phương Đông mà còn mang cả cốt cách của phương Tây. Trà đi cùng con người vào xã hội hiện đại.
CHÈ VÀ VĂN HOÁ TRÀ / GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm
Được viết và trình bày trong buổi sinh hoạt ở Câu lạc bộ Trà của sinh viên Tp. HCM tại Nhà văn hóa Thanh niên vào dịp tất niên 2005.