Có tên khoa học Ampelopsis Cantoniensis Planch họ Nho (Vitacae), chè dây còn được gọi là Thau rả (theo dân tộc Tày) hay Khau rả (theo dân tộc Nùng). Là loại dây leo có vị ngọt, đắng, tính mát, được đồng bào dân tộc miền núi sử dụng như một vị thuốc dân gian chữa các bệnh liên quan tới dạ dày như ợ hơi, ợ chua, đau rát thượng vị... Ngoài ra chè dây còn có tác dụng an thần, chữa mất ngủ. Cách đây gần hai chục năm, chè dây đã được các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu và phát hiện ra những tác dụng tích cực trong việc điều trị viêm loét dạ dày, hành tá tràng.
Theo nghiên cứu của tiến sĩ Vũ Nam, trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Y học cổ truyền Việt Nam, bệnh nhân đau thượng vị điều trị bằng chè dây có thời gian cắt cơn đau nhanh. Trung bình, chỉ sau 8-9 ngày, hơn 90% bệnh nhân hết đau, thèm ăn và có cảm giác ngon miệng, người dễ chịu, ngủ ngon hơn. Các bệnh nhân nghiên cứu được nội soi trước và sau điều trị, kết quả sau khi dùng chè dây cho thấy, có tới gần 80% bệnh nhân liền sẹo. Như vậy, chè dây có tác dụng làm liền sẹo ổ loét dạ dày rất cao.
Cũng theo kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Vũ Nam, một tác dụng nữa của chè dây với bệnh nhân viêm loét dạ dày - hành tá tràng là làm sạch Helicobarter Pylori, đây là loại xoắn khuẩn, sống trên lớp nhày niêm mạc dạ dày và gây ra bệnh này. Bên cạnh đó, do hàm lượng lớn flavonoid trong chè dây có tác dụng chống viêm nên chè dây còn có tác dụng giảm viêm niêm mạc dạ dày. Mức độ viêm dạ dày của bệnh nhân trước và sau điều trị bằng chè dây giảm xuống rõ rệt, đa số hết viêm hoặc chỉ còn viêm dạ dày mức độ nhẹ. Tác dụng giảm viêm dạ dày của chè dây không có ở một số các loại tân dược khác.
Hơn nữa, nghiên cứu cũng chỉ rõ: sử dụng chè dây trong điều trị viêm loét dạ dày - hành tá tràng cũng không gây tác dụng phụ, không gây ngộ độc cấp tính, đặc biệt không gây ảnh hưởng tới sự sinh sản và di truyền cũng như các chỉ tiêu hóa sinh và huyết học khi dùng chè trong thời gian dài.
Các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu nhân giống, trồng chè dây để phục vụ cho việc sản xuất dược phẩm cũng như bảo tồn vị thuốc quý vốn là loài cây mọc hoang này. Chè dây có thể sản xuất thành dạng viên nang, hoặc sử dụng ở dạng khô nấu như nấu nước chè mạn để dùng.