Chè là loài cây có lịch sử trồng trọt lâu đời nhất. Cây chè có tên khoa học là Camelia Sineusis, thuộc họ Theacae, khí hàn, vị khổ cam, không độc.....
1. Nguồn gốc cây chè
Chè là loài cây có lịch sử trồng trọt lâu đời nhất. Cây chè có tên khoa học là Camelia Sineusis, thuộc họ Theacae, khí hàn, vị khổ cam, không độc. Đây một loại cây xanh lá quanh năm, có hoa màu trắng. Cây trà phải trồng khoảng 5 năm mới bắt đầu hái và thu hoạch trong vòng 25 năm.
Dựa vào đặc tính sinh trưởng của cây chè, các nhà thực vật học xác định vùng đất mà cây chè có thể xuất hiện và sinh trưởng tốt phải có những điều kiện sau [Mạnh Thị Thanh Nga 2001: 67-68]:
1) Quanh năm không có sương muối.
2) Có mưa đều quanh năm với lượng mưa trung bình khoảng 3000 mm/năm.
3) Nằm ở độ cao 500-1000 mm so với mực nước biển, môi trường mát mẻ, không nắng quá hoặc ẩm quá.
Những vùng đất thỏa mãn các điều kiện trên là:
1) Nửa phía nam tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
2) Bắc Việt Nam.
3) Bắc Miến Điện, Thái Lan và Lào.
4) Vùng núi phía đông bang Assam của Ấn Độ.
Người ta hay bất đồng ý kiến về nguồn gốc cây chè ở Trung Quốc, Bắc Việt Nam, Ấn Độ hay Miến Điện. Thực ra, nói về thời xa xưa, không nên dùng những địa danh và những ranh giới quốc gia hiện đại. Thời xưa, toàn bộ khu vực phía bắc đến sông Dương Tử, phía tây đến bang Assamu của Ấn Độ – tất cả đều nằm trong vùng Đông Nam Á cổ đại. Như vậy, đúng nhất là nói rằng cây chè có nguồn gốc từ vùng bắc Đông Nam Á cổ đại, trong khu vực mà nay là bang Assam của Ấn Độ, qua bắc Miến Điện, Thái Lan, Lào, Việt Nam đến Vân Nam Trung Quốc. Vân Nam mãi đến đời Tống mới thuộc về Trung Quốc.
Cây chè nguyên thủy được xem là có từ 4-5 nghìn năm trước đây. Khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy những dấu tích của lá và cây chè hóa thạch ở Phú Thọ. Ở Suối Giàng (Văn Chấn, Nghĩa Lộ) có cả một rừng chè hoang mấy vạn cây trong đó có ba cây chè cổ thụ, cao 6-8m, ba người ôm không xuể. Ở Lạng Sơn cũng tìm thấy một rừng chè dại, có cây cao tới 18m [Trần Quốc Vượng 2000: 31]. Một số nơi ở nam Trung Quốc có những cây chè hoang cao tới 32,12m [Vương Tùng Nhân 2004: 9].
Sách Trà Kinh của Trung Hoa viết : “Trà là một loài cây quý ở phương Nam, cây như cây qua lô, lá như lá chi tử (dành dành), hoa như hoa tường vi trắng, quả như quả tinh biền lư, nhị như nhị đinh phương, vị rất hàn.” [Trần Ngọc Thêm 2001: 356].
2. Các truyền thuyết về nguồn gốc việc dùng chè
Người Trung Quốc sáng chế ra một loạt truyền thuyết giải thích nguồn gốc việc dùng trà.
Truyền thuyết thứ nhất: Một lần vua Thần Nông tuần du phương Nam, trên đường mệt mỏi, khô khát, dừng lại đun nước uống thì tình cờ có vài chiếc lá chè hoang rơi vào nồi. Khi vua uống thì từ thấy nước tỏa hương thơm quyến rũ, uống vào như trút hết mệt mỏi đường trường. Từ đó trà được coi như là một loại thuốc và tục uống trà truyền bá khắp nơi.
Truyền thuyết thứ hai: một hôm khi Đức Phật Gautama đang ngồi trầm ngâm trong vườn thì một chiếc lá chè hoang bỗng rơi vào cốc của Ngài, thật tình cờ Ngài đã phát hiện ra thức uống này.
Truyền thuyết thứ ba: Vào thế kỉ VI, thiền sư Ấn Độ Bồ Đề Đạt Ma ngủ quên trong buổi tọa thiền. Khi tỉnh giấc, ngài bèn bực tức cắt hai mi mắt vứt xuống đất. Chỗ đó mọc lên hai khóm cây chè, biểu trưng cho sự đốn ngộ về thể xác và tinh thần. Vì thế mà về sau các thiền sư luôn sùng kính cây chè và thường trồng cạnh các tự viện[Vương Tùng Nhân 2004: 17-19; N.H. 2002: 23; http://en.wikipedia.org/wiki/tea].
Người Nhật cũng có truyền thuyết kể rằng vào thời Chiến Quốc có một danh y(300-221 BC), tinh thông 84.000 cây thuốc. Ông dạy cho con được 62.000 cây thì chết. 22.000 cây kia không biết tìm ở đâu cho ra, nào ngờ trên mộ ông mọc lên một cái cây, chứa đủ tinh hoa của 22.000 cây còn lại. Đó là cây trà.
3. Nguồn gốc gốc tên gọi ‘chè’/ ‘trà’
Theo Iguchi Kaisen, trước khi nhà Hán ra đời, cùng với việc mua bán nô lệ, đã có những người đến vùng mà nay là Vân Nam ở thượng lưu sông Dương Tử để mua trà rồi đem bán ở vùng khác[i].
Về tên gọi, trong tiếng Việt có hai từ “chè” và “trà”. “Chè” là từ thuần Việt, được dùng để chỉ cả cây trồng, lẫn sản phẩm tươi và sản phẩm chế biến (cây chè, chè tươi, chè đen, uống chè). “Chè” còn được mở rộng nghĩa ra để chỉ nước uống từ các loại lá cây khác (chè vối, chè nhân trần), để chỉ món ăn ngọt nấu bằng các chất bột, hạt, củ với đường mật (ăn chè đậu đen, chè thập cẩm). “Trà” là từ mượn từ tiếng Hán, chỉ dùng để chỉ sản phẩm đã qua chế biến mà thôi (uống trà, trà tàu, trà sen).
Trong tiếng Hoa, bên cạnh từ trà 茶, tùy theo địa phương còn có các tên gọi: giả, thiết, mính, xuyển. Trong quyển thượng bộ “Trà kinh” của Lục Vũ có viết: Châu Công nói giả là loại trà đắng; Dương Chấp Kích giải thích người ở miền Tây Nam Ba Thục(Tứ Xuyên) quen gọi trà là thiết; Quách Hoằng Nông lại nói rằng: “Hái sớm là trà, hái muộn là mính, cũng là xuyển” [dẫn theo Vương Hồng Sển 1993: 15-16].
Nếu tính rằng cây chè có nguồn gốc từ Đông Nam Á cổ đại, thì có thể thấy rằng “chè” tiếng Việt là từ có nguồn gốc từ tiếng Đông Nam Á cổ, có quá trình tồn tại lâu đời, nên có phạm vi sử dụng vô cùng rộng rãi (được dùng để chỉ cả cây trồng, cả sản phẩm, cả các loại nước uống các món ăn ngọt khác). Từ tiếng Đông Nam Á cổ, “chè” thâm nhập vào tiếng Hán, biến thành ‘trà”, rồi sau này “trà” tiếng Hán quay trở lại Việt Nam. Thành ra tiếng Việt ngày nay có cả hai từ “chè” và “trà”, và vì xuất hiện sau nên “trà” chỉ giới hạn trong pham vi nghĩa chỉ sản phẩm, trong khi “chè” vì có trước nên đã mang luôn cả nét nghĩa của “trà”.
CHÈ VÀ VĂN HOÁ TRÀ / GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm
Được viết và trình bày trong buổi sinh hoạt ở Câu lạc bộ Trà của sinh viên Tp. HCM tại Nhà văn hóa Thanh niên vào dịp tất niên 2005.
Sưu tầm: Việt Bắc