Với quy hoạch diện tích đất trồng chè của tỉnh đến năm 2015 khoảng 2.600 ha, đưa các loại chè giống mới LDP1, LDP2, Kim Tuyền năng suất chất lượng cao vào thay thế giống chè cũ. Cụ thể, diện tích chè để sản xuất chè đen, chè xanh 2.000 ha với vùng nguyên liệu chè xanh tập trung ở 2 vùng trọng điểm: vùng chè Yên Thuỷ - Lạc Sơn lấy cơ sở sản xuất chè của Công ty TNHH một thành viên 2/9 làm trung tâm để phát triển ra các xã xung quanh tạo thành vùng chè hàng hoá tập trung diện tích khoảng 730 ha; vùng chè Lạc Thuỷ - Lương Sơn lấy cơ sở sản xuất chè của Công ty TNHH một thành viên Sông Bôi và vùng chè Lương Sơn làm thành trung tâm để phát triển ra các xã xung quanh tạo thành vùng hàng hoá tập trung diện tích khoảng 900 ha Đối với vùng nguyên liệu chè Shan tuyết tập trung 600 ha tại 3 huyện Mai Châu 175 ha gồm các xã Hang Kia, Pà Cò, Bao La; Đà Bắc 325 ha gồm các xã Yên Hoà, Trung Thành, Đoàn Kết, Đồng Ruộng, Cao Sơn và Tân Lạc 100 ha gồm các xã Ngổ Luông, Nam Sơn, Quyết Chiến, Bắc Sơn.
Đề án thực hiện giúp cho người làm chè tăng thêm thu nhập, giải quyết được nhiều việc làm cho khu vực nông thôn. Với mục tiêu cụ thể đến năm 2020 tạo được một số vùng sản xuất chè tập trung 3.200 ha, sản lượng 15.104 tấn chè búp tươi, có khả năng chế biến được 3.200 tấn chè búp khô; từ năm 2020-2030 hàng năm có thể sản xuất ổn định được khoảng 48.000 tấn chè búp tươi, chế biến sản xuất khoảng 10.200 tấn chè búp khô gấp 7,16 lần so với hiện nay phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu góp phần tăng thu ngân sách hàng năm từ sản xuất chế biến, tiêu thụ xuất khẩu sản phẩm. Việc thực hiện đề án góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, từng bước áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chế biến, nâng cao trình độ thâm canh sản xuất, chế biến cho người lao động; giải quyết việc làm ổn định, thường xuyên cho khoảng 4.000 lao động sản xuất nông nghiệp và khoảng 300 lao động công nghiệp chế biến góp phần tăng thu nhập, ổn định dân cư khu vực nông thôn. Đồng thời góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chống xói mòn sạt lở, bảo vệ môi trường sinh thái và thúc đẩy phát triển du lịch, phát huy, bảo tồn văn hoá, bản sắc dân tộc.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư để phát triển sản xuất chè tập trung tỉnh đến năm 2020 là 175,6 tỉ đồng, trong đó, dành 136,4 tỉ đồng đầu tư trồng mới, cải tạo diện tích chè, mua sắm máy móc thiết bị, cải tạo vườn ươm; vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp 21,2 tỉ triệu đồng đầu tư trồng mới cải tạo diện tích chè, lãi suất vay tín dụng và 18 tỉ đồng hỗ trợ thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án để đầu tư cơ sở hạ tầng.
Đánh giá về triển vọng đề án phát triển vùng chè của tỉnh, đồng chí Nguyễn Anh Quân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, đề án phù hợp với định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh, xây dựng một nền nông nghiệp hàng hoá gắn với thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, góp phần đẩy nhanh tốc độ CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn, sớm hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Đề án thực hiện sẽ đem lại hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Hy vọng rằng với định hướng kế hoạch cụ thể sát gần thực tế, với nỗ lực của các cấp chính quyền, đặc biệt sự cộng tác tích cực, tự giác của người sản xuất chè, đề án phát triển vùng chè tỉnh quy hoạch được những vùng chè an toàn phù hợp với quy hoạch chế biến, kinh doanh chè, để cây chè thực sự là cây trồng mũi nhọn trong cơ cấu giống cây trồng của tỉnh.