Tồn tại trong vùng lũ Hương Sơn (Hà Tĩnh), Xí nghiệp chè Tây Sơn kiên định với phương châm: "Sản xuất theo hướng chè sạch bền vững, tất cả vì lợi ích nông dân". Những năm qua, trên thị trường xuất khẩu, thương hiệu Chè Tây Sơn đang dần khẳng định được vị thế của mình.
Sơn Kim II là vùng đất có điều kiện khí hậu,
thổ nhưỡng phù hợp để phát triển cây chè - một giống cây chịu khí hậu nhiệt đới
và cận nhiệt đới. Vậy nên mảnh đất này đã chọn chè làm một trong những giống
cây kinh tế chủ đạo, mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương
vươn lên xóa nghèo.
Phát huy thế mạnh đó, trong những năm qua,
Xí nghiệp chè Tây Sơn và xã Sơn Kim II đã luôn chú trọng phát triển cây chè, nhất
là các giống chè có năng suất và chất lượng cao vào ứng dụng. Đồng thời, với việc
bám sát chỉ đạo của Huyện ủy về chiến lược phát triển sản phẩm theo hướng chè sạch,
chè hữu cơ, cam kết chất lượng với khách hàng nên trong thời gian qua, Xí nghiệp
chè Tây Sơn đã nhanh chóng tạo được thương hiệu tại DuBail và một số nước trên
toàn quốc.
Ngoài ra, toàn huyện, tỉnh cũng đã khuyến
khích, động viên bà con cải tạo vườn tạp, đất đồi để mở rộng thêm diện tích trồng
giống cây này, nhằm tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên trên thực tế, một số diện
tích chè do trồng lại chu kì 2, chu kì 3 nên đất đã bạc màu thoái hoá. Từ đó,
Xí nghiệp chè Tây Sơn phối hợp với UBND xã Sơn Kim II đã đưa những giống chè có
năng suất cao vào trồng trên địa bàn như giống chè: PH1 (từ cây Bạch Đại Trà,
nguồn gốc ở Ấn Độ), và giống chè LDP2, LDP1 (do viện chè ở Phú Thọ sản xuất).
Ba giống chè này rất phù hợp với điều kiện khí hậu gió Lào, khô hạn, chịu nắng,
chịu mưa tốt. Với việc mạnh dạn đưa các giống này vào ứng dụng, tính đến nay,
toàn xã đã có trên 220ha chè.
Để đạt được năng suất cao, ngoài việc cung
cấp giống và phân bón, xí nghiệp còn cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống hướng dẫn
cho bà con về cách chăm sóc, thu hái chè. Trao đổi với PV về vấn đề này, anh Lê Quốc Việt, cán bộ kế hoạch kỹ thuật của xí nghiệp
cho biết: "Chúng tôi thường xuyên ghé thăm nương chè, đồng thời hướng dẫn
những kiến thức cơ bản cho bà con. Vào độ khoảng thời gian 15/12 dương lịch,
đây là thời kì bắt đầu đốn chè. Chè ở độ tuổi 12, 13 năm cần đốn phớt, cày ải,
bón phân các loại NPK, Việt Nhật, làm cỏ, vệ sinh tán đốn, tán được gạt xuống
làm phụ phẩm nông nghiệp. Sau đốn là giai đoạn "ngủ nghỉ" của chè.
Khi gặp mùa xuân, chè ra búp non bà con cần phun thuốc để phòng trừ sâu bệnh, rồi
tiến hành hái lứa đầu tiên. Công đoạn này cần tuân thủ theo nguyên tắc khoa học:
"Một tôm hai lá một cá hai chừa". Sau khi thu hái, cần bón bổ sung đạm,
kali theo từng diện tích cụ thể, 1 tấn sản phẩm lấy đi thì phải bỏ lại 10% lượng
đạm tiêu chuẩn và 15% kali lượng đạm tiêu chuẩn đó.
Nhờ nắm vững những kiến thức cơ bản trên
nên tất cả những nương chè đều cho năng suất cao, chè đồi cho năng suất 15 tấn/ha,
chè bãi 23-25 tấn/ha, mang lại thu nhập bình quân hằng năm cho người dân từ 80
đến 90 triệu đồng/năm. Chè năm nay có giá: tươi 5.850đồng/kg, khô có giá
70.000đồng - 75.000đồng/kg, cao hơn những năm trước nên bà con yên tâm sản xuất.
Những nương chè xanh ngát của gia đình bác
Trần Thị Mai
Ghé thăm nương chè của bác Trần Thị Mai ở
xóm Tiền Phong, xã Sơn Kim II, một trong những hộ dân có diện tích chè khá lớn,
bác phấn khởi chia sẻ: "Thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư đến
nơi đến chốn của xí nghiệp bằng việc giao đất, hỗ trợ giống, phân bón, baotiêu sản phẩm...và
cùng với việc năm nay, thời tiết thuận lợi, giá chè lại tăng nên chúng tôi rất
vui và cũng yên tâm sản xuất hơn, cuộc sống vì thế mà cũng đỡ vất vả hơn".
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Sơn,
Giám đốc Xí nghiệp chè Tây Sơn chia sẻ: "Hiện nay, đơn vị đang là trụ cột
cho việc phát triển mở rộng diện tích trồng chè tại vùng Sơn Kim II, Sơn Tây và
một số địa phương lân cận. Lãnh đạo xã Sơn Kim II đã phối hợp tốt với xí nghiệp
chè để mở rộng diện tích. Đồng thời, xí nghiệp cũng đã triển khai tốt vấn đề đảm
bảo sản xuất theo hướng chè sạch, bền vững, huy động hàng nghìn tấn phân chuồng,
bón các loại phân có giá trị cao, nghiêm ngặt trong việc sử dụng thuốc trừ sâu,
thuốc hóa học để không gây hại quy trình chế biến tạo ra sản phẩm phù hợp với
khách hàng.
Nhưng một vấn đề rất đáng lo ngại hiện nay,
đó là tư nhân đã tự nhận xưởng thu mua chè tươi cạnh tranh với chè Tây Sơn,
trái với Quyết định 80 của Thủ Tướng chính phủ, quy định về kí hợp đồng tiêu thụ
sản phẩm, không có vùng nguyên liệu không được phép đầu tư phát triển, không để
xảy ra tình trạng tư nhân cạnh tranh bán với công ty. Khi thị trường thuận lợi
thì tư nhân tham gia, còn khi khó khăn họ lại rút vốn để mặc nông dân, để mặc đồng
chè tan hoang. Do đó các cấp chính quyền cần phải có sự can thiệp và xem xét
khi cấp phép kinh doanh”.
Tiếp tục chia sẻ với chúng tôi, Giám đốc
Sơn trăn trở: "Hiện nay, xí nghiệp đang gặp phải khó khăn lớn về quỹ đất để
phát triển vùng nguyên liệu, bởi số diện tích xí nghiệp đang được quản lý ngày
một bị thu hẹp dần do nhiều tác động. Trong lúc đó, nhu cầu sản xuất tiêu thụ
chè xuất khẩu khá lớn. Vì thế rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp tạo
thêm quỹ đất, giúp xí nghiệp có thêm quy mô sản xuất nguyên liệu hơn nữa trong
thời gian tới, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để giúp đỡ bà con cũng như xí
nghiệp khắc phục lại những đồi chè bị ảnh hưởng sau trận lũ vừa qua”.
Linh Hà - Hiệp Nguyễn